Kinh Tụng Theo Pháp Môn Thiền Tông
Ngày đăng: 13-03-2022
KINH TỤNG
THEO PHÁP MÔN THIỀN TÔNG
Kinh tụng theo pháp môn Thiền tông này có 2 phần chánh như sau:
Một: Trợ giúp cho người tu theo pháp môn Thiền tông mà chưa nhận ra “Yếu chỉ thiền tông”.
Hai: Người đã giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông”, hoặc đã đạt được “Bí mật Thiền tông” rồi, muốn trợ giúp cho những người xung quanh chưa hiểu pháp môn Thiền tông, nên tụng kinh này. Người xung quanh nghe nhiều lần, tự nhiên họ cảm ngộ được pháp môn này, người tụng được nhiều công đức.
Bài kinh tụng này, là do soạn giả Nguyễn Nhân, sưu tầm, biên soạn và viết ra để kính tặng chùa Thiền tông Tân Diệu, nhân ngày lễ lạc thành Thiền tông Phật đài và an vị Tôn Tượng Đức Phật truyền Thiền Thanh tịnh cho Ngài Ma Ha Ca Diếp để làm Tổ sư Thiền tông đời thứ nhất.
Ngày an vị Phật Thiền tông là ngày 01-4-2012, nhằm ngày 11-3 năm Nhâm Thìn.
Người tụng, nên tụng chậm rãi, rõ ràng, từng lời, từng tiếng, để tâm vật lý người tụng đạt được ý sâu mầu của lời kinh tiếng kệ, mới giúp cho người nghe cảm ngộ được pháp môn Thiền tông học được.
BÀI KỆ HOA THIỀN
Thiền hoa nở tại Linh Sơn
Một, hai, năm chục chỉ nhơn một người
Hoa thiền xinh đẹp tốt tươi
Tánh thấy đặc biệt nhận thời Thiền tông.
Chánh pháp nhãn tạng trong lòng
Niết bàn vi diệu phát sanh trí mầu
Thiền tông không quán không cầu
Không lập văn tự không cầu Như Lai.
Thiền tông nếu có những ai
Nhận được thanh tịnh, nhớ ngay tánh mình
Thấy được như vậy lặng thinh
Là tánh thanh tịnh của mình ngày xưa.
Tánh Phật luân chuyển dây dưa
Luân hồi nhiều kiếp không ưa trở về
Trần gian ham muốn nặng nề
Ai dạy giải thoát, chửi thề bỏ đi!
Thiền tông Tân Diệu phổ đi
Nhờ vậy công thức giải thoát được ghi rõ ràng
Con đường thoát khỏi trần gian
Tổ đình Tân Diệu rõ ràng chỉ ra.
Đây là lời Phật Thích Ca
Hai lăm thế kỷ hiện ra Đất Rồng
Chúng con nhận được ba không
Không buồn không giận cũng không não phiền.
Tâm con nay hết đảo điên!
Cũng nhờ Đức Phật phổ thiền tại đây
Chúng con xin giữ pháp này
Phổ cho người biết pháp này về quê.
Quê xưa chốn cũ là quê
Niết bàn thanh tịnh là quê vĩnh trường
Vĩnh trường không có đau thương
Hằng sa chư Phật vĩnh trường sống đây.
Chúng con nay biết chỗ này
Phổ đi khắp chốn pháp này người thông
Chúng con kính nguyện cầu mong
Nhiều người tiếp nhận chúng con vui mừng.
Tạ ơn Đức Phật dạy Dừng
Vì con không biết không theo lời Ngài
Do vậy đi khắp trần ai!
Hôm nay nhận được, nhờ Ngài dạy con.
Chúng con nhất quyết lòng son
Cố gắng gìn giữ lưu truyền đời sau
Chúng con thệ nguyện với nhau
Pháp môn Thiền học không sao phai mờ.
Thiền tông chân chánh con thờ
Kính xin Đức Phật nhận lời chúng con.
Nam Mô Giáo Chủ Ta Ba Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
LỜI GIẢI KINH TỤNG THEO PHÁP MÔN THIỀN TÔNG
Có người hỏi:
- Tu theo Thiền tông, sao còn tụng kinh?
Xin trả lời:
- Lời hỏi ấy rất phải, tu theo pháp môn Thiền tông, người tu cốt là nhận ra Phật tánh của chính mình qua sáu căn và sống với Phật tánh ấy; nhưng hai căn dễ nhận ra Phật tánh nhất là căn mắt và căn tai.
Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, định lực Thanh tịnh thiền của Đức Phật rất mạnh, có thể nói là trùm khắp. Nhờ định lực này, nên có một người kiến tánh Phật của chính mình.
Thời các Tổ Thiền tông nối tiếp dòng Thiền tông đem đi, không vị Tổ nào nói trắng ra pháp môn Thiền tông học này. Do đó, rất ít người ngộ đạo.
Còn hiện tại, chúng ta sống vào đời “Mạt Thượng pháp”, nên quân bình mà nói: Một ngàn người tu theo đạo Phật, chưa chắc có được một người nhận ra Phật Tánh của chính mình!
Vì chỗ cực kỳ khó đó, nên chúng tôi sưu tầm, tìm hiểu và biên soạn ra quyển kinh SÁM HỐI này, là để trợ giúp cho người tụng dễ dàng nhận ra chỗ sâu mầu trong ý kệ lời kinh, cơ may người trì tụng kinh này mới nhận ra Phật tánh thanh tịnh của chính mình. Vì nhờ quyển kinh tụng này, mới có cơ may đạt được “Yếu chỉ Thiền tông” và cao hơn nữa là “Bí mật Thiền tông”, thì mới biết đường trở về Phật giới, người bình dân gọi là giải thoát.
Xin chỉ rõ 2 phần:
Phần 1: Người tụng kinh Sám Hối này, mà tụng ở “trạng thái thanh tịnh mà hằng biết”, thì sẽ có những điều kỳ diệu xảy ra, không thể ngờ được.
Phần 2: Người tụng kinh này, tâm vật lý của mình khi trì tụng mà tâm thật sự thanh tịnh, thì người xung quanh nghe họ tự cảm thông được, thì mình có công đức thật lớn.
Quý vị khi tụng kinh Sám Hối này:
1. Tụng rõ từng lời, từng chữ.
2. Khi lời kinh nhập vào tâm vật lý của mình.
3. Nước lệ của quý vị tự tuôn ra
- Là quý vị đã tự cảm ngộ pháp môn Thiền tông này rồi vậy.